Truyền thuyết Đại lễ Vu Lan và Xá Tội Vong Nhân cùng ý nghĩa việc ăn chay Rằm tháng Bảy

Tác giả: Túc Túc, ngày 14/08/2019
Là một trong những ngày Rằm lớn nhất năm, Rằm tháng Bảy ngoài là “lễ Vu Lan báo hiếu” còn là ngày “xá tội vong nhân”. Là ngày "âm thịnh, dương suy" nên việc ăn chay, cúng dường, làm phước luôn được ưu tiên, những hành vi sát sanh, ăn mặn, mua sắm, đi khuya đều kiêng kỵ.

Thường ăn chay, cúng mâm cơm, đi chùa vào Rằm tháng Bảy, vậy bạn có biết những tập tục này xuất phát từ đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Truyền thuyết Đại lễ Vu Lan

Theo kinh Vu Lan, Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca), là người có nhiều phép thần thông, luôn lấy đạo hiếu làm trọng.

Truyền thuyết đại lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng Bảy
Đại Đức Mục Kiền Liên - Một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca

Mẹ Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề đã sớm qua đời, trong một lần quá tưởng nhớ và muốn biết mẹ giờ sống ra sao, ông đã dùng thuật mắt phép soi rọi khắp nhân gian để tìm kiếm. Nào ngờ lúc sanh thời, bà Thanh Đề làm nhiều việc ác ôn nên giờ đây đã hóa kiếp thành “ngạ quỷ” phải chịu đói khát và bị hành hạ vô cùng khổ sở, thê lương. Không chịu được cảnh này, Mục Kiền Liên liền mang “cơm lành, canh ngọt” xuống cõi quỷ cho mẹ ăn. Nhưng do đã nhiều ngày nhịn đói nên khi ăn bà Thanh Đề đã dùng một tay che đi bát cơm tránh để các cô hồn khác đến giành giật khiến miếng cơm đưa lên miệng liền hóa thành lửa đỏ.

Truyền thuyết đại lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng Bảy
Mục Kiền Liên mang cơm canh xuống cõi quỷ cho mẹ ăn

Biết không thể giúp được mẹ theo cách đơn thuần, Mục Kiền Liên liền đi tìm Phật để cầu xin, Phật dạy rằng: "Vì mẹ con từng phỉ báng Tam Bảo nên tội nghiệp quá nặng, sức của một mình con không thể nào giải cứu được đâu. Nếu con thật lòng muốn giúp mẹ thì cần phải hợp lực chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Rằm tháng bảy là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là ngày có năng lượng từ bi vô cùng cường đại, con hãy thiết lễ Vu lan bồn, là lễ cúng “giải đảo huyền” (giải cứu cái khổ bị treo ngược). Trước tiên, con phải cúng Phật, Pháp và Tăng, sau đó mới có thể thọ dụng những phẩm vật dâng cúng. Vào ngày này nếu con thiết trai cúng dường Tam Bảo thì mẹ của con sẽ lìa khổ được vui”. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giúp mẹ thoát khỏi kiếp “ngạ quỷ”. 

Truyền thuyết đại lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng Bảy
Đức Phật chỉ đường cho Mục Kiền Liên cứu mẹ vào ngày Rằm tháng Bảy

Cũng từ đây, ngày Rằm tháng Bảy hằng năm được gọi là Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Vào ngày này hầu như ai cũng đều làm phước, cúng dường, phóng sanh, làm việc thiện, ăn cơm chay để tránh sát sinh, hồi hướng công đức cho cha mẹ, đấng bề trên. 
Tại chùa chiền còn có nghi thức “Bông hồng cài áo”, với những ai còn mẹ cha sẽ được cài bông màu hồng, màu đỏ, ai không còn thì cài bông màu trắng nhằm tưởng nhớ và nhắc nhở phận làm con về lòng hiếu thảo. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962.

Sự tích xá tội vong nhân, cúng cô hồn

Theo quan niệm Á Đông, ngày 15 tháng 7 hàng năm là ngày mở cửa địa ngục, ân xá vong nhân, ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào ngày này, việc ăn chay và làm từ thiện luôn được khuyến khích để tạo phước lành, xua đuổi tà ma quấy nhiễu.
Tích kể rằng, ngày xá tội vong nhân hay cúng cô hồn còn liên quan đến câu chuyện của A Nan Đà và một con quỷ miệng lửa. A Nan Đà có thể xem là anh em chú bác với Đức Phật vì cha của ông, vua Amitodana, là em vua Suddhodana – tức Tịnh Phạn Vương, thân phụ của Đức Phật. A Nan Đà là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự Đức Phật và có trí nhớ phi thường về những lời Phật dạy.

Truyền thuyết đại lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng Bảy
A Nan Đà là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự Đức Phật và có trí nhớ phi thường về những lời Phật dạy

Vào tối nọ, khi đang ngồi trong tịnh thất, A Nan Đà bỗng thấy một con quỷ thân thể gầy khô, miệng dài nhả lửa bước vào và tuyên bố “3 ngày sau A Nan Đà sẽ chết. Trừ khi ngày mai A Na Đà phải thí cho bọn quỷ một bọc thức ăn đồng thời cúng đường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, quỷ sẽ được sanh về cõi trên.” Sau đó, A Nan Đà đem câu chuyện này kể cho Đức Phật, Phật bèn đặt bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni” đem tụng trong lễ cúng với ý nghĩa bố thí cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa.

Truyền thuyết đại lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng Bảy
A Nan Đà gặp quỷ miệng lửa

Cũng từ đây, tục Cúng cô hồn hay gọi là Phóng diệm khẩu (thả quỷ miệng lửa) ra đời. Vào ngày này, nhà nhà sẽ nấu những mâm cơm cúng cho các vong hồn vật vờ không nơi nương tựa và ăn chay, niệm phật để tránh xui rủi, những điều không may.
Tục cúng cô hồn có thể diễn ra bất cứ khi nào vào Rằm tháng Bảy nhưng thường được cúng nhất là vào chiều tối ở sân nhà, trên vỉa hè với 2 mâm cúng gồm một mâm cúng tổ tiên và một mâm cúng chúng sanh. Trong mâm cúng tổ tiên ngoài những món ăn ra còn có cả tiền vàng mã, sau khi nhan tàn chúng sẽ được đốt đi với lòng tin những tổ tiên đã khuất sẽ nhận được chúng ở cõi âm, họ sẽ có cuộc sống sung túc hơn tại đó. Còn trong mâm cúng chúng sanh sẽ có bánh kẹo, muối, gạo, áo mão, tiền vàng mã, khi cúng xong những vật này sẽ được vứt ra đường nhằm cho những oan hồn vất vưởng nhặt lấy, không theo quấy phá gia chủ.

Tục cúng cô hồn thường diễn ra vào chiều tối ở sân nhà, trên vỉa hè

Ngoài những quan niệm tâm linh, tín ngưỡng này, không chỉ Việt Nam, Trung Quốc mà các nước Á Đông khác đều có những nghi thức rất riêng cho ngày Rằm tháng Bảy, càng tìm hiểu sẽ càng thấy thú vị!

Bài viết cùng chuyên mục

Cách nấu lẩu Thái không cay đậm đà, đúng vị

Lẩu Thái là món yêu thích của nhiều người, kể cả những bạn nhỏ. Tuy vậy, không phải bé nào cũng có thể ăn cay được. Cùng tìm hiểu cách nấu lẩu Thái không cay đơn giản.
Công thức bởi: Thắng

Chia sẻ một vài món ăn có thể sử dụng rượu vang

Bữa ăn hàng ngày cũng như ẩm thực của mỗi địa phương, mỗi nước là khác nhau, vì vậy không nhất thiết phải có một quy chuẩn nào quá khắt khe trong việc kết hợp rượu vang và những món ăn.
Công thức bởi: Thắng

Tìm hiểu quy trình sản xuất rượu vang như thế nào?

Rượu Vang Cao Minh là đơn vị chuyên cung cấp và phân phối các loại rượu vang bịch, vang chai nhập khẩu chính hãng với mức giá bán ưu đãi. Đến với chúng tôi, quý khách hàng sẽ nhận được những sản phẩm chất lượng cùng thái độ phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp.
Công thức bởi: Thắng

Review bánh dừa nướng Mỹ Phương Food, giá bao nhiêu bán ở đâu?

Nếu bạn là tín đồ ăn vặt hẳn không còn xa lạ với cái tên Mỹ Phương Food. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối bánh dừa nướng nổi tiếng tại Đà Nẵng. Dưới đây là một số thông tin cơ bản bạn có thể tham khảo.
Công thức bởi: Thắng