Trông bày én liệng đẹp như tranh
Chậu quất bên hiên quả trĩu cành
Chị ngắm thầy treo câu đối đỏ
Em nhìn mẹ sắp bánh chưng xanh
(Ngày 30 Tết – Tác giả: Thiết Dương)
Ngàn đời nay, hình ảnh chiếc bánh chưng xanh ngày Tết đã là một phần không thể thiếu với người Việt, và câu chuyện sự ra đời của bánh chưng đã ăn sâu trong máu chúng ta, hôm nay nhân dịp xuân Kỷ Hợi, cùng Nauankhongkho.vn một lần nữa nhắc lại chuyện xưa tích củ của dân tộc mình bạn nhé.
Tương truyền bánh chưng, bánh giày đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh tan giặc Ân nhà vua quyết định truyền ngôi cho con. Nhân ngày đầu năm, vua cha gọi các con trai lại và bảo “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được truyền ngôi”.
Ngay sau đó, các hoàng tử liền thi nhau lên rừng cao, xuống biển sâu săn lùng món ngon vật lạ trên đời với mong muốn làm hài lòng vua cha để người truyền lại ngôi vị. Chỉ riêng hoàng tử thứ 18 – Lang Liêu (tên chữ gọi là Tiết Liêu) tính tình thuần hậu, chí hiếu nhưng do mẹ mất sớm, không ai giúp đỡ, chỉ vẽ nên vô cùng hoang mang không biết tặng gì khiến vua cha ưng bụng cho tròn đạo hiếu thuận.
Bổng một hôm Lang Liêu đang say giấc nồng thì mơ thấy một vị Thần đến bày kế cho: “ Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng hạt gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành." Cảm thấy gợi ý của thần đầy ý nghĩa và gần gũi với nền nông nghiệp nước nhà Lang Liêu lên kế hoạch làm bánh với hết lòng thành kính.
Đến ngày tụ họp, Vua Hùng điểm qua một lượt những món quà mà các hoàng tử dâng lên và dừng lại trước bánh hình tròn, hình vuông của Lang Liêu, người cảm thấy vô cùng hài lòng vì cách giải thích của chàng và quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu rồi đặt tên bánh hình tròn là bánh giày thể hiện cho trời cao, còn bánh hình vuông là bánh chưng biểu tượng cho đất mẹ, gói trọn nền nông nghiệp lúa nước trong chiếc bánh.
Từ đó mỗi độ Tết đến Xuân về trên bàn thờ gia tiên của người Việt không bao giờ vắng bóng hình ảnh bánh chưng xanh và đặc biệt ngày Giỗ tổ Hùng Vương càng không thể thiếu. Ngoài tín ngưỡng dân tộc, thể hiện cho trời đất, mang ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở, cầu mong mưa thuận gió hòa, một năm được mùa bội thu thì bánh chưng còn thể hiện cho lòng hiếu thuận của con cái với cha mẹ như sự hiếu thảo của Lang Liêu với Vua Hùng, cho nên dù bận rộn đến đâu thì người Việt cũng không bao giờ quên một chiếc bánh chưng vuông vắn đặt trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết.
Lại một mùa xuân nữa đã về đừng quên cùng người thân quay quần bên nhau gói nên những chiếc bánh chưng đông đầy tình cảm gia đình cho mùa xuân Kỷ Hợi nhé bạn. Chúc bạn năm mới an khang, thịnh vượng và gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống!